Sybil attack là gì mà khiến các hệ thống blockchain và mạng phi tập trung phải dè chừng? Đây là một hình thức tấn công nguy hiểm, trong đó kẻ xấu tạo ra nhiều danh tính giả để kiểm soát và thao túng mạng lưới. Hiểu rõ về Sybil attack không chỉ giúp bạn nhận diện mối đe dọa mà còn tìm ra các giải pháp tối ưu để bảo vệ hệ thống trước những nguy cơ tiềm tàng. Cùng Traderforex khám phá chi tiết về tấn công sybil trong bài viết này!
Sybil attack là gì?
Tấn công sybil là gì? Sybil Attack hay còn được gọi là các cuộc tấn công mạo nhận, đây là một hình thức tấn công mạng nguy hiểm, trong đó kẻ tấn công tạo và kiểm soát nhiều thực thể giả mạo nhằm chiếm quyền kiểm soát hoặc làm suy giảm hiệu suất của một hệ thống. Tên gọi “Sybil” được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Flora Rheta Schreiber, dựa trên câu chuyện có thật về một người phụ nữ mắc chứng rối loạn đa nhân cách.
Trong môi trường mạng tự do, mục tiêu của các cuộc tấn công Sybil là tạo ra hàng loạt thực thể giả mạo, chẳng hạn như nút mạng, tài khoản ảo và các thực thể khác. Những thực thể này được sử dụng để can thiệp vào quá trình ra quyết định hoặc lợi dụng lỗ hổng để chiếm quyền kiểm soát. Sybil Attack thường gây ra hậu quả nghiêm trọng, như làm suy yếu các hệ thống xác thực, phát tán mã độc trong mạng ngang hàng (peer-to-peer), hoặc phá hoại các cơ chế đồng thuận trong mạng lưới blockchain.
Để đối phó với Sybil Attack, chúng ta cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như xác minh danh tính, tăng cường quy trình xác thực và triển khai danh sách đen (blacklist) một cách hiệu quả. Những giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ các thực thể giả mạo, bảo vệ hệ thống trước các mối đe dọa tiềm tàng.
Sybil tấn công vào Crypto dưới những dạng nào?
Trong thế giới crypto và blockchain, các cuộc sybil attack có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, làm giảm độ an toàn và hiệu suất của hệ thống. Dưới đây là một số dạng tấn công Sybil phổ biến trong không gian crypto hiện nay:
Tấn công 51%
Khi kẻ tấn công kiểm soát hơn 50% sức mạnh tính toán của mạng blockchain, chúng có thể chiếm quyền quyết định về các giao dịch. Điều này cho phép chúng thực hiện các giao dịch gian lận, thay đổi lịch sử giao dịch hoặc thậm chí ngừng hoàn toàn các giao dịch mới. Mô hình này sẽ cố gắng tạo ra thật nhiều thực thể giải mạo để đạt đến ngưỡng tấn công 51%, từ đó làm suy yếu sự tin cậy của hệ thống blockchain, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của mạng.
Eclipse
Trong cuộc tấn công sybil này, kẻ tấn công chiếm quyền kiểm soát một hoặc nhiều nút mạng trong hệ thống blockchain. Mục đích của chúng là kiểm soát thông tin mà các nút này có thể truy cập, cô lập chúng khỏi phần còn lại của mạng và cung cấp thông tin sai lệch. Điều này có thể dẫn đến việc nút mạng hoạt động dựa trên dữ liệu giả mạo, gây rối loạn và thiếu chính xác trong quá trình giao dịch.
Nothing-at-Stake
Sybil attack tạo ra nhiều thực thể giả mạo để tham gia vào quá trình xác nhận giao dịch mà không phải chịu bất kỳ rủi ro hay chi phí nào. Điều này có thể dẫn đến việc hình thành các nhánh chuỗi khối (forks) và gây khó khăn trong việc đưa ra quyết định về chuỗi chính. Tấn công này làm giảm tính ổn định của mạng và khiến việc xác minh giao dịch trở nên phức tạp.
Fair Exchange
Kẻ tấn công có thể tạo ra tài khoản giả mạo để tham gia vào các quá trình trao đổi không công bằng trong hệ thống. Mục tiêu là lợi dụng những lỗ hổng trong quy trình trao đổi, nơi mà tính công bằng không được đảm bảo, nhằm thu lợi từ những giao dịch không minh bạch này.
Tấn công kiểm soát mạng lưới hoặc DAO
Trong hình thức này, kẻ xâm nhập sử dụng tài khoản nặc danh hoặc bot để tham gia vào quá trình bỏ phiếu on-chain trong các tổ chức tự trị phi tập trung (DAOs). Nếu kiểm soát đủ số lượng tài khoản, kẻ tấn công có thể thay đổi kết quả bỏ phiếu, làm giả các quyết định quan trọng hoặc can thiệp vào các giao dịch đang diễn ra để thu lợi cá nhân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng trong DAO mà còn gây tổn hại đến người dùng trong hệ thống.
Các cuộc tấn công Sybil này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính bảo mật và sự ổn định của các mạng blockchain và hệ thống crypto, vì vậy việc phòng ngừa và ứng phó với chúng là cực kỳ quan trọng.
>> Xem thêm: Crypto vs Forex: Đâu là lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư thông minh?
Sybil attack hoạt động như thế nào?
Một cuộc tấn công Sybil thường bắt đầu bằng sự phân chia các nút trong mạng thành ba loại: Honest Node (nút trung thực), Attacker Node (nút tấn công) và Sybil Node (nút độc hại). Để tiến hành tấn công, kẻ tấn công (Attacker Node) sẽ tạo ra một số lượng lớn Sybil Nodes, những nút giả mạo này sẽ giả danh các Honest Nodes, qua đó lừa các Honest Nodes kết nối với chúng.
>> Xem thêm: Node là gì? Cách các Node kết nối và ảnh hưởng đến sự phát triển của blockchain
Khi các Sybil Nodes kết nối với các Honest Nodes, chúng sẽ ngừng tương tác với các nút trung thực khác trong mạng, tạo ra một môi trường dễ dàng để kẻ tấn công kiểm soát mạng mà không bị phát hiện. Khi đã đủ tầm ảnh hưởng, kẻ tấn công có thể sử dụng các Sybil Nodes để thực hiện các cuộc tấn công gây tổn hại cho hệ thống mạng.
Tấn công Sybil có thể được thực hiện theo hai phương thức chính là trực tiếp và gián tiếp:
Tấn công trực tiếp
Trong kiểu tấn công này, Sybil Nodes giả danh các Honest Nodes và bắt đầu tương tác với chúng mà không bị phát hiện. Các Honest Nodes, không biết rằng mình đang giao tiếp với các nút giả mạo, tiếp tục kết nối và trao đổi thông tin. Mặc dù tấn công này có vẻ đơn giản, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến tính trung thực của mạng.
Tấn công gián tiếp
Ở phương thức này, Sybil Nodes sử dụng các nút trung gian để tấn công các Honest Nodes. Các nút trung gian này sẽ bị ảnh hưởng bởi các Sybil Nodes và có thể dẫn đến việc mạng bị tổn thương mà không trực tiếp tấn công vào các Honest Nodes. Tấn công gián tiếp có thể gây ra thiệt hại lớn mà không làm lộ rõ mục tiêu của kẻ tấn công, ảnh hưởng đến những mạng không tiếp xúc trực tiếp với các Honest Nodes.
Mục tiêu của Sybil Attack là tạo ra sự thiếu đồng nhất trong mạng, gây mất kiểm soát và phá vỡ sự trung thực của hệ thống, từ đó làm suy yếu hoạt động và tính bảo mật của mạng blockchain.
Hậu quả từ cuộc tấn công Sybil là gì?
Cuộc tấn công Sybil là một mối đe dọa lớn đối với hệ thống mạng và dữ liệu. Dưới đây là những hậu quả chính mà nó có thể gây ra:
- Xâm nhập và tổn hại dữ liệu: Hacker có thể kiểm soát phần lớn các thực thể trong mạng lưới, từ đó đánh cắp, thay đổi thông tin hoặc xoá sạch dữ liệu. Điều này khiến hệ thống hoạt động sai lệch hoặc ngưng trệ hoàn toàn.
- Gian lận và lừa đảo: Bằng cách tạo ra các thực thể giả, hacker có thể thực hiện các giao dịch ảo, lừa đảo người dùng, hoặc thao túng hệ thống. Điều này ảnh hưởng xấu đến tính minh bạch và sự ổn định của mạng lưới.
- Mất quyền kiểm soát: Khi hacker nắm giữ phần lớn quyền lực trong hệ thống, chúng có thể thay đổi các quyết định quan trọng, làm suy yếu tính độc lập và minh bạch của mạng lưới.
- Suy giảm niềm tin: Người dùng sẽ mất niềm tin vào hệ thống khi bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công Sybil. Điều này có thể khiến họ rút lui, làm suy giảm sự phát triển và uy tín của hệ thống.
- Tổn thất tài sản: Các cuộc tấn công Sybil tăng nguy cơ mất mát tài sản, đặc biệt trong các giao dịch. Người dùng dễ bị tổn thất nghiêm trọng, làm giảm sự tin tưởng vào hệ thống.
Tổng hợp những cuộc tấn công Sybil nổi tiếng trên crypto
Sau khi hiểu rõ sybil attack là gì cũng như cách thức hoạt động của các cuộc tấn công này trên crypto, bạn cần tìm hiểu thêm các sự kiện sybil attack thực tế để có thêm kinh nghiệm phòng chống chúng. Dưới đây là các vụ tấn công Sybil nổi tiếng trên crypto mà ai cũng cần xem qua:
Verge – Tấn công Sybil năm 2021
Verge là một dự án blockchain nổi tiếng và cũng là một trong những nạn nhân của các cuộc tấn công Sybil. Vào năm 2021, kẻ tấn công đã xâm nhập vào hệ thống của Verge và xóa sạch lịch sử giao dịch trong vòng 200 ngày, gây tổn hại nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của mạng lưới.
Ethereum Classic – Tấn công 51% năm 2020
Ethereum Classic là một nhánh của Ethereum, dự án đã bị tấn công vào năm 2020 bằng hình thức tấn công 51%. Kẻ tấn công sử dụng hàng loạt tài khoản giả mạo để kiểm soát mạng, thực hiện các giao dịch gian lận và chiếm đoạt của Ethereum Classic 807.260 ETC, mang lại lợi nhuận khổng lồ hơn 2.800% từ số tiền đầu tư ban đầu chỉ 192.000 USD.
Bitcoin Gold – Tấn công 51% năm 2018 và 2020
Bitcoin Gold là một nhánh con của Bitcoin, dự án này đã phải hứng chịu hai cuộc tấn công 51% vào năm 2018 và năm 2020. Nguyên nhân đến từ việc kẻ tấn công tiến hành các lệnh giao dịch giả để thay đổi thông tin trên Blockchain.
- Vào tháng 5/2018, kẻ tấn công đã chiếm quyền kiểm soát mạng và thực hiện các giao dịch giả mạo trị giá hơn 18 triệu USD. Mặc dù kẻ tấn công chỉ xâm nhập vào hệ thống trong khoản thời gian ngắn nhưng cũng đã thực hiện lấy đi khối tài sản lớn của Bitcoin Gold.
- Tiếp đó vào tháng 1/2020, một cuộc tấn công thứ hai diễn ra, khi hacker kiểm soát Bitcoin Gold trong vòng 10 ngày, thực hiện các giao dịch giả và chiếm đoạt đến 72.000 USD.
Tor – Tấn công Sybil năm 2014 và 2020
Tor là một mạng có hệ thống bảo mật mạng ngang hàng nổi tiếng, tuy nhiên Tor cũng đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công Sybil vào các năm 2014 và 2020. Trong cuộc tấn công đầu tiên vào năm 2014, kẻ tấn công đã kiểm soát tới 115 relay chỉ với một địa chỉ IP, tạo ra sự gián đoạn lớn trong mạng và đánh cắp thông tin người dùng.
Vào năm 2020, một cuộc tấn công tương tự diễn ra, lần này tập trung vào người dùng Tor có giữ Bitcoin. Kẻ tấn công đã kiểm soát nhiều relay Tor để chặn các giao dịch và đánh cắp tài sản của người dùng. Những cuộc tấn công này cho thấy lỗ hổng của các hệ thống bảo mật, đặc biệt là trong môi trường không được kiểm soát hoàn toàn.
Cent – Lừa đảo trên mạng xã hội năm 2019
Cent là nền tảng mạng xã hội sử dụng blockchain Ethereum, nền tảng này đã bị tấn công Sybil vào năm 2019. Một số người dùng đã tạo ra các tài khoản giả mạo nhằm lừa đảo hệ thống thưởng của Cent. Những tài khoản giả này đã xây dựng nội dung giả mạo để thu lợi từ phần thưởng của hệ thống. Cuộc tấn công này không chỉ ảnh hưởng đến nền tảng Cent mà còn đặt ra câu hỏi về việc bảo vệ các hệ thống mạng xã hội dựa trên blockchain khỏi các hành vi gian lận và lừa đảo.
MyEtherWallet (MEW) – Tấn công Sybil năm 2018
Vào năm 2018, MyEtherWallet (MEW) – một ví tiền điện tử phổ biến vào thời điểm đó đã bị tấn công Sybil thông qua việc giả mạo các trang web. Kẻ tấn công đã chiếm quyền kiểm soát DNS và tạo ra các trang web giả mạo để dụ người dùng nhập thông tin đăng nhập. Khi người dùng vô tình truy cập vào các trang giả mạo và đăng nhập, kẻ tấn công đã đánh cắp khoá riêng của họ, dẫn đến mất mát tài sản.
DAO – Tấn công năm 2016
Tuy không phải là một cuộc tấn công Sybil điển hình, nhưng vụ tấn công vào DAO (Tổ chức Tự trị Phi tập trung) trên Ethereum vào năm 2016 vẫn là một trong những cuộc tấn công mạng nổi tiếng trong lịch sử crypto. Kẻ tấn công đã lợi dụng lỗ hổng trong mã nguồn của DAO để chiếm đoạt một lượng lớn Ether. Cuộc tấn công này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi lớn trong cộng đồng Ethereum. Và cuối cùng, cộng đồng buộc phải thực hiện hard fork để hoàn trả Ether cho các nhà đầu tư.
Biến thể mới của Sybil Attack trong thế giới Crypto – Thợ săn airdrop
Săn airdrop đã trở thành một hình thức tấn công Sybil tinh vi trong không gian mạng crypto. Kẻ săn airdrop tạo ra hàng loạt tài khoản giả mạo với mục đích tiếp cận các hợp đồng và giao thức thông minh thông qua chương trình airdrop. Khi các dự án công bố chương trình airdrop, không ít người dùng có thể nhanh chóng đạt được lợi nhuận tài chính lớn bằng cách tham gia vào các dự án ngay từ khi chúng bắt đầu. Những người này tận dụng các cuộc tấn công Sybil để tạo ra nhiều tài khoản, tham gia vào các dự án từ giai đoạn khởi đầu và thu lợi nhuận từ việc nhận token phân bổ qua airdrop.
Hình thức tấn công này phá vỡ mục tiêu ban đầu của các dự án, vốn mong muốn phân bổ token một cách công bằng và đồng đều. Thay vào đó, các kẻ săn airdrop chiếm lấy phần lớn token, làm giảm giá trị và tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường. Để bảo vệ dự án khỏi các cuộc tấn công Sybil kiểu này, các nhóm phát triển cần triển khai các biện pháp chống lại sự tấn công như nhận dạng IP, xác minh tài khoản qua báo cáo hai chiều, phân tích các tài khoản liên kết và sử dụng các công cụ bảo mật khác. Những biện pháp này giúp ngăn chặn việc tập trung token vào thợ săn airdrop, đồng thời giảm thiểu rủi ro token bị bán ồ ạt ngay khi niêm yết, làm giảm giá trị của dự án.
Làm sao để phòng tránh hiệu quả Sybil Attack?
Để ngăn chặn các cuộc Sybil Attack một cách hiệu quả, cần kết hợp nhiều biện pháp bảo mật nhằm đảm bảo tính trung thực và công bằng trong môi trường mạng. Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng để bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công nguy hiểm này:
Proof of Work và Proof of Stake
Các cơ chế như PoW và PoS là những công cụ quan trọng để giảm thiểu khả năng tạo ra các thực thể mạo danh. PoW yêu cầu người tham gia đầu tư vào sự tính toán, trong khi PoS yêu cầu người dùng phải sở hữu một lượng tiền mã hóa nhất định. Cả hai cơ chế này đều làm tăng chi phí và độ khó của việc thực hiện tấn công Sybil.
Proof of Identity (POI)
POI là một cơ chế đồng thuận giúp xác minh danh tính người dùng, đảm bảo rằng các nút trong mạng là hợp pháp và không bị kiểm soát bởi kẻ tấn công. Đây là phương pháp phổ biến trong các hệ thống blockchain nhằm ngăn chặn Sybil Attack.
Proof of Reputation (POR)
POR đánh giá độ tin cậy của người dùng dựa trên lịch sử hoạt động và giao dịch của họ trên mạng. Các hệ thống như Binance Smart Chain (BSC) và Ocean Protocol (OCEAN) sử dụng POR để giảm thiểu khả năng kẻ tấn công mạo danh và chiếm quyền kiểm soát mạng bởi có độ tin cậy cao và có bước xác minh danh tính người truy cập.
Ngăn chặn Denial-of-Service
Các chiến lược chống lại tấn công DoS có thể giảm thiểu nguy cơ làm mất tính sẵn sàng của mạng khi bị tấn công, đảm bảo rằng hệ thống vẫn duy trì hoạt động ổn định.
Hạn chế quyền truy cập
Việc giới hạn quyền truy cập vào các tài khoản và hệ thống xác minh giúp giảm thiểu khả năng bị lợi dụng trong các cuộc tấn công Sybil. Các hệ thống cần kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập và xác thực người dùng.
Kiểm tra Blacklisting
Việc sử dụng danh sách đen giúp theo dõi và ngăn chặn các địa chỉ IP hoặc tài khoản có nguy cơ tham gia vào các cuộc tấn công Sybil. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc bảo vệ hệ thống.
Gitcoin Passport
Gitcoin Passport giúp xác minh danh tính người dùng thông qua cả phương pháp truyền thống và phi tập trung. Điều này giúp giảm thiểu khả năng tấn công từ các tài khoản ẩn danh và đảm bảo quyền bầu chọn công bằng trong các hệ thống DAO. Những người dùng không được xác minh danh tính sẽ bị giảm đi quyền bầu chọn, như vậy có thể giảm được tỷ lệ người dùng thành lập tài khoản ảo để bỏ phiếu.
Soulbound Token (SBT)
Soulbound Token là một dạng token không thể chuyển nhượng, chỉ có thể liên kết với một ví duy nhất. SBT giúp ngăn chặn các cuộc tấn công mạo danh bằng cách tạo ra một hệ thống token gắn liền với danh tính người dùng, giúp bảo vệ mạng lưới khỏi Sybil Attack.
KYC – Know Your Customer
KYC là bộ ID dùng để gắn kết tài khoản của người dùng với nó. Yêu cầu người dùng hoàn thành quy trình KYC là một biện pháp hiệu quả để xác minh danh tính và giảm thiểu nguy cơ bị tấn công từ các tài khoản ẩn danh.
>> Xem thêm: KYC là gì? Tại sao KYC đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong giao dịch trực tuyến?
PoP – Proof-of-personhood authentication
PoP là một phương pháp xác minh người dùng bằng công nghệ AI và yêu cầu người dùng quét mã QR hoặc giải câu đố Captcha. Phương pháp này giúp đảm bảo rằng mỗi node trên mạng chỉ thuộc về một cá nhân duy nhất, từ đó giảm thiểu khả năng tấn công Sybil.
Sử dụng hệ thống phân cấp
Hệ thống phân cấp có thể giúp phân bổ quyền hạn dựa trên thâm niên của người dùng. Những người dùng lâu năm sẽ có quyền cao hơn, trong khi những node mới tham gia sẽ bị giới hạn quyền lực, giảm khả năng tạo ra các cuộc tấn công Sybil từ các tài khoản giả mạo mới thành lập.
Sử dụng Social Trust Graphs
Social Trust Graphs là cách thể hiện sự tin cậy của các validator trong mạng lưới. Các hệ thống này có thể giúp phát hiện các node có dấu hiệu bất thường và giảm thiểu tác động của Sybil Attack. Các kỹ thuật như Advogato Trust Metric và Sybil Rank có thể được sử dụng để phát hiện và loại bỏ các node mạo danh. Bạn có thể tham khảo một số Social Trust Graphs như Sybil Rank, SybilGuard, Advogato Trust Metric,…
Cơ chế đồng thuận đắt đỏ
Một trong những cách hiệu quả để ngăn chặn Sybil Attack là sử dụng các cơ chế đồng thuận đắt đỏ, yêu cầu người tham gia phải đầu tư một lượng tài nguyên lớn. Ví dụ, trong Ethereum, để chạy một node, người tham gia phải stake 32 ETH, một mức chi phí đáng kể. Điều này làm giảm khả năng kẻ tấn công tạo ra nhiều node để thực hiện tấn công Sybil.
Giải đáp các thắc mắc về sybil attack
Các cuộc tấn công Sybil có nguy hiểm không?
Sybil Attack là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với bảo mật mạng, gây ảnh hưởng lớn đến sự công bằng trong các hệ thống phân cấp. Cuộc tấn công này thường nhắm đến việc kiểm soát không công bằng các quyết định hoặc tài nguyên của mạng, làm gián đoạn tính minh bạch và sự ổn định của các hệ thống blockchain.
Mạng Bitcoin có dễ bị tấn công Sybil không?
Mặc dù tất cả các mạng blockchain đều có thể trở thành mục tiêu của Sybil Attack, nhưng đối với mạng như Bitcoin, việc tấn công này là rất khó khăn. Lý do là Bitcoin có một số lượng lớn người khai thác, làm cho việc kiểm soát mạng với số lượng nút mạo danh là rất khó.
Làm thế nào để ngăn chặn các cuộc tấn công Sybil?
Để ngăn chặn Sybil Attack, các giao thức đồng thuận có thể được sử dụng để xác minh tính hợp lệ của các giao dịch. Bên cạnh đó, việc xác minh danh tính thực của người tham gia hoặc duy trì một số lượng nút đáng tin cậy trên mạng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các cuộc tấn công này.
Có cách nào để giảm thiểu tấn công Sybil không?
Các thuật toán như PoW và PoS giúp giảm thiểu nguy cơ Sybil Attack trong mạng blockchain. Bằng cách yêu cầu các node tham gia phải chứng minh rằng họ có giao dịch thực sự, các thuật toán này ngăn chặn hành vi mạo danh và gian lận.
Tấn công Sybil vào IoT là gì?
Trong môi trường IoT, Sybil Attack liên quan đến việc tạo ra các nút mạo danh hoặc đánh cắp danh tính của các nút khác để xâm nhập vào hệ thống, phát tán thư rác. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng, vì nó có thể làm gián đoạn hoạt động của các thiết bị thông minh trên mạng lưới IoT.
Sybil Attack là gì đã được Traderforex giải thích vô cùng chi tiết trong bài viết trên. Các cuộc tấn công Sybil có thể gây ra những tác động nghiêm trọng về tài chính đối với các nhà sáng lập và người dùng tham gia các dự án blockchain. Tuy nhiên, với sự hiểu biết về các phương pháp phòng chống và bảo mật, bạn có thể giảm thiểu rủi ro và tham gia vào các giao dịch an toàn và thông minh. Chúc bạn luôn thành công và bảo vệ được tài sản của mình khi tham gia giao dịch trên crypto.
Xem thêm:
Làm sao nhận biết Vampire Attack trên hệ sinh thái DeFi?
Exploit là gì? Đằng sau các vụ Exploit lớn nhất trong lịch sử blockchain
Tôi là Lê Võ Trọng Tú, một Trader Full Time với đam mê phân tích và nhiệt huyết với những con số. Hãy kết nối và chia sẻ cùng chúng tôi – TraderForex. Tôi không hứa sẽ giúp bạn “giàu nhanh”, nhưng tôi sẽ cung cấp cho bạn những “công cụ” để tạo đà phát triển tốt nhất có thể.