Insider Trading là gì? Hiểu rõ bản chất và rủi ro của giao dịch nội gián

Insider Trading là hình thức giao dịch dựa trên thông tin chưa được công bố, mang lại lợi thế lớn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ pháp lý đáng kể. Dù một số trường hợp có thể hợp pháp, phần lớn giao dịch dạng này bị cấm do ảnh hưởng đến tính minh bạch và công bằng của thị trường. Vậy Insider Trading là gì? Vì sao có người kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ nó, trong khi người khác lại đối mặt với những án phạt nghiêm khắc? Hãy cùng Traderforex khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.

Insider Trading là gì?

Giao dịch nội gián trong thị trường tài chính đề cập đến hành vi sử dụng thông tin chưa được công khai để thực hiện các giao dịch mua bán tài sản. Những thông tin này thường xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp, các sàn giao dịch hoặc các tổ chức có ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Theo định nghĩa của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), Insider Trading xảy ra khi một cá nhân sử dụng thông tin mật để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ thông tin này cho bên thứ ba nhằm trục lợi.

Insider trading là hành vi giao dịch nội gián dựa trên thông tin chưa công khai
Insider trading là hành vi giao dịch nội gián dựa trên thông tin chưa công khai

Trong bối cảnh thị trường crypto, khái niệm này cũng áp dụng với tài sản kỹ thuật số như token, tiền mã hóa, NFT và các sản phẩm DeFi. Các thông tin nội bộ có thể bao gồm kế hoạch niêm yết token trên sàn lớn, quan hệ hợp tác chiến lược, thay đổi nhân sự chủ chốt hoặc các nâng cấp quan trọng tác động đến giá trị tài sản. Do tính phi tập trung của blockchain, việc kiểm soát giao dịch nội gián trong thị trường crypto trở nên thách thức hơn rất nhiều so với thị trường tài chính truyền thống.

Các loại Insider Trading thường gặp

Giao dịch nội gián hiện đang được chia thành hai dạng chính là hợp pháp và bất hợp pháp.

Giao dịch nội gián hợp pháp

Dạng hợp pháp sẽ xảy ra khi cá nhân hoặc tổ chức nội bộ giao dịch tài sản của chính họ và công khai thông tin này trước khi thực hiện giao dịch.

Ví dụ, trong thị trường crypto, các dự án hoặc sàn giao dịch có thể thông báo trước về kế hoạch mua/bán token của đội ngũ phát triển. Một trường hợp minh họa là khi nhân viên Binance mua BNB để tham gia Binance Launchpool sau khi dự án đã được công khai. Đây là một giao dịch hợp pháp vì thông tin đã được chia sẻ với cộng đồng.

Cũng như vậy, Binance cũng áp dụng cơ chế mua lại và đốt BNB định kỳ bằng 20% lợi nhuận của sàn. Vì thông tin này luôn được thông báo công khai trước đó, nên dù ảnh hưởng đến giá trị token, do đó hành động này vẫn hợp pháp.

Giao dịch nội gián bất hợp pháp

Trái ngược với giao dịch hợp pháp, dạng bất hợp pháp xảy ra khi một cá nhân lợi dụng thông tin chưa được công bố để mua bán tài sản, nhằm tạo lợi thế không công bằng trên thị trường. Điều này không chỉ gây tổn thất cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn làm suy giảm niềm tin vào thị trường.

Ví dụ, một kỹ sư của một dự án blockchain vô tình biết được thông tin nội bộ về tình hình tài chính xấu của dự án trong một cuộc họp kín. Nếu thông tin này được công khai, giá token có thể sụt giảm mạnh. Nhận thấy cơ hội trục lợi, người này sẽ tiến hành bán tháo lượng lớn token đang nắm giữ hoặc thực hiện giao dịch bán khống để kiếm lời trước khi thông tin bị tiết lộ. Đây là một ví dụ điển hình của giao dịch nội gián bất hợp pháp.

Trong thị trường crypto, giao dịch nội gián bất hợp pháp có thể được nhận diện qua một số dấu hiệu:

  • Biến động giá bất thường: Token có thể tăng hoặc giảm mạnh mà không có tin tức chính thức nào được công bố.
  • Khối lượng giao dịch tăng đột biến: Trước khi một thông tin quan trọng được tiết lộ, khối lượng giao dịch của token có thể tăng một cách bất thường.
  • Hành vi bất thường của cá voi: Một số ví của cá voi crypto có thể thực hiện giao dịch lớn ngay trước những sự kiện quan trọng, cho thấy khả năng họ có thông tin nội bộ.

Các quy định quan trọng về giao dịch nội gián trader nên biết

Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau đối với Insider Trading, nhưng phần lớn đều coi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng và có thể bị xử lý hình sự nếu giao dịch nội gián bất hợp pháp.

Các quy tắc về insider trading mà trader cần nắm để tránh rủi ro pháp lý
Các quy tắc về insider trading mà trader cần nắm để tránh rủi ro pháp lý

Quy định về Insider Trading tại các quốc gia

Tại Mỹ, SEC là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và xử lý các vụ việc liên quan đến giao dịch nội gián. Những cá nhân bị kết tội có thể đối mặt với mức phạt lên đến 5 triệu USD và án tù tối đa 20 năm. Các tổ chức vi phạm cũng có thể bị phạt nặng hơn, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Tại Việt Nam, hành vi giao dịch nội gián được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019. Theo đó, bất kỳ ai sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch chứng khoán cho bản thân hoặc cho người khác, hoặc tiết lộ thông tin này nhằm mục đích giao dịch, đều có thể bị xử lý. Nếu vi phạm nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối mặt với mức án lên đến 7 năm tù theo Điều 210 Bộ luật Hình sự.

Thị trường crypto và thách thức pháp lý

Trong lĩnh vực tiền mã hóa, giao dịch nội gián là một vấn đề phức tạp do đặc tính phi tập trung và ẩn danh của công nghệ blockchain. Không giống như thị trường chứng khoán truyền thống, nơi các cơ quan quản lý có thể dễ dàng giám sát và truy vết giao dịch. Do đó, có thể thấy thị trường crypto có tính mở và xuyên biên giới khiến việc kiểm soát Insider Trading trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nhằm hạn chế tình trạng này, một số quốc gia và tổ chức tài chính đang tích cực nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý phù hợp với đặc thù của thị trường crypto. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống giám sát hiệu quả, giúp bảo vệ nhà đầu tư và duy trì sự minh bạch của thị trường tài chính phi tập trung.

Những vụ Insider Trading chấn động lịch sử tài chính

Chúng ta đã hiểu lý thuyết về Insider Trading là gì rồi, nhưng những vụ việc trong thực tế mới thực sự cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi này đối với thị trường tài chính. Dưới đây là một số trường hợp điển hình về giao dịch nội gián từng gây xôn xao dư luận.

Martha Stewart – Từ nữ doanh nhân thành đạt đến án tù vì Insider Trading

Vào tháng 12/2001, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từ chối phê duyệt Erbitux là một loại thuốc điều trị ung thư của công ty dược phẩm ImClone. Thông tin này khiến giá cổ phiếu ImClone lao dốc, nhưng trước đó một số cá nhân thân cận với Giám đốc điều hành Samuel Waksal đã nhanh chóng bán tháo cổ phiếu của mình để tránh thua lỗ.

Martha Stewart với hành trình từ biểu tượng kinh doanh đến vướng vòng lao lý vì Insider Trading
Martha Stewart với hành trình từ biểu tượng kinh doanh đến vướng vòng lao lý vì Insider Trading

Martha Stewart là nữ doanh nhân nổi tiếng của Mỹ cũng đã bán 4.000 cổ phiếu ImClone ngay trước khi tin tức bị công khai, thu về khoảng 250.000 USD lợi nhuận. Sau khi SEC điều tra, họ phát hiện Stewart đã nhận được thông tin nội bộ từ môi giới chứng khoán của mình, Peter Bacanovic.

Hậu quả:

  • Samuel Waksal bị kết án gần 7 năm tù và nộp phạt 4,3 triệu USD.
  • Martha Stewart bị kết tội cản trở công lý và Insider Trading, chịu mức phạt 30.000 USD cùng án 5 tháng tù giam.
  • Stewart cũng buộc phải từ chức khỏi công ty Martha Stewart Living Omnimedia do bê bối này.

Ivan Boesky – Ông trùm giao dịch nội gián của Phố Wall

Những năm 1980, Ivan Boesky là một nhà giao dịch nổi tiếng kiếm lợi từ các thương vụ sáp nhập (M&A) thông qua các nguồn tin nội bộ. Các ngân hàng đầu tư lớn đã cung cấp cho Boesky thông tin mật về các thương vụ mua bán doanh nghiệp sắp diễn ra, giúp ông đặt cược vào cổ phiếu trước khi thị trường biết tin.

Boesky đã hối lộ các nhân viên tài chính tại Drexel Burnham Lambert để tiếp cận thông tin quan trọng. Nhờ đó, ông đã thu lợi hàng trăm triệu USD từ những công ty lớn như Getty Oil, Gulf Oil, Nabisco, Texaco, Chevron.

Ivan Boesky là nhân vật khét tiếng gắn liền với bê bối insider trading tại Phố Wall
Ivan Boesky là nhân vật khét tiếng gắn liền với bê bối insider trading tại Phố Wall

Hậu quả:

  • SEC điều tra và phát hiện hành vi của Boesky. Để giảm nhẹ tội, ông đồng ý hợp tác với SEC trong việc truy tố Michael Milken là một nhà tài chính nổi tiếng khác.
  • Năm 1986, Boesky bị kết tội Insider Trading, chịu mức án 3,5 năm tù giam và khoản tiền phạt 100 triệu USD.
  • Ông cũng bị cấm vĩnh viễn tham gia thị trường chứng khoán.

Albert H. Wiggin – Lợi dụng khủng hoảng để bán khống cổ phiếu công ty mình

Sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929, người ta phát hiện ra rằng Albert H. Wiggin, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Quốc gia Chase đã bán khống gần 40.000 cổ phiếu của chính ngân hàng mình.

Albert H. Wiggin đã tận dụng market crash để short chính cổ phiếu doanh nghiệp mình
Albert H. Wiggin đã tận dụng market crash để short chính cổ phiếu doanh nghiệp mình

Vào thời điểm đó, không có quy định nào cấm hành vi này nên Wiggin đã hợp pháp kiếm được gần 4 triệu USD từ sự sụp đổ của ngân hàng mà chính ông lãnh đạo. Dù vậy, sự kiện này đã gây ra làn sóng phẫn nộ lớn trong công chúng, buộc Wiggin phải từ bỏ khoản trợ cấp hưu trí 100.000 USD/năm từ ngân hàng.

Hệ quả của vụ việc này là sự ra đời của Đạo luật Chứng khoán và Hối đoái năm 1934 nhằm cải thiện tính minh bạch trong thị trường tài chính, ngăn chặn các hành vi giao dịch nội gián.

R. Foster Winans – Nhà báo biến tin tức thành công cụ giao dịch

Foster Winans là một cây bút nổi tiếng của tờ Wall Street Journal, chuyên viết chuyên mục “Heard on the Street”. Các bài viết của ông thường đưa ra nhận định về một số cổ phiếu nhất định và giá của những cổ phiếu này thường biến động theo hướng ông dự báo.

Lợi dụng điều này, Winans đã bí mật thỏa thuận với một nhóm nhà môi giới chứng khoán với hành vi là ông cung cấp trước thông tin về các cổ phiếu sắp được nhắc đến trong bài viết. Nhóm môi giới này sẽ mua cổ phiếu trước khi bài viết được công bố, sau đó bán ra để kiếm lời khi giá tăng. Theo đó, một phần lợi nhuận sẽ được chia lại cho Winans như hoa hồng.

Foster Winans là nhà báo tận dụng tin nội gián để tạo lợi thế trong giao dịch
Foster Winans là nhà báo tận dụng tin nội gián để tạo lợi thế trong giao dịch

Hậu quả:

  • SEC vào cuộc điều tra và kết luận hành vi của Winans là Insider Trading, vì thông tin về chứng khoán thuộc sở hữu của Wall Street Journal chứ không phải của cá nhân ông.
  • Winans bị kết án và chịu các hình phạt pháp lý.

Những vụ việc nổi bật về giao dịch nội gián trong thị trường crypto

Giao dịch nội gián không chỉ xảy ra trên thị trường chứng khoán truyền thống mà còn xuất hiện trong lĩnh vực crypto. Dưới đây là 2 vụ việc đáng chú ý trong thế giới tiền mã hóa cho thấy ngay cả một thị trường phi tập trung cũng không thể tránh khỏi hành vi gian lận này.

Nate Chastain – Khi Insider Trading len lỏi vào cộng đồng NFT

Tháng 9/2021, Nate Chastain là giám đốc Sản phẩm của OpenSea đã bị phát hiện sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi từ NFT. Trước khi một NFT được hiển thị trên trang chủ của OpenSea, Chastain đã bí mật mua trước, sau đó bán lại với giá cao hơn khi có nhu cầu.

Hành vi này được phát hiện nhờ phân tích on-chain của một người dùng Twitter có tên Zuwu, người này đã nhận thấy một mô hình giao dịch bất thường. Vụ việc nhanh chóng gây xôn xao cộng đồng crypto và chỉ trong vài giờ thì OpenSea đã lên tiếng thừa nhận sai sót.

Nate Chastain - Góc khuất Insider Trading giữa làn sóng đầu cơ trong thị trường NFT
Nate Chastain – Góc khuất Insider Trading giữa làn sóng đầu cơ trong thị trường NFT

Hậu quả:

  • Chastain từ chức ngay lập tức và xóa tên khỏi tài khoản Twitter cá nhân.
  • Mặc dù chưa bị truy tố ngay lập tức, nhưng vụ việc đã đặt ra câu hỏi về việc NFT có được xem là chứng khoán theo luật Chứng khoán 1933 hay không. Nếu có, hành vi của Chastain có thể bị xem là gian lận chứng khoán.
  • Vụ việc cũng nhấn mạnh rằng, dù blockchain công khai và minh bạch, nhưng giao dịch nội gián vẫn có thể xảy ra.

Coinbase – Khi giám đốc sản phẩm lạm dụng thông tin niêm yết token

Một vụ Insider Trading khác liên quan đến Ishan Wahi, cựu Giám đốc sản phẩm của Coinbase. Là người tham gia vào quá trình niêm yết token mới trên sàn giao dịch này, Ishan đã sử dụng thông tin nội bộ về các đồng coin sắp được list để giúp anh trai và bạn bè mua trước, sau đó bán khi giá tăng.

Cụ thể, Ishan Wahi đã tiết lộ thông tin về các dự án tiền mã hóa sắp được niêm yết cho anh trai Nikhil Wahi và một người bạn tên Ramani. Nhờ đó, nhóm này đã thu lợi bất chính hơn 1 triệu USD từ các token ít người biết đến như AMP và DDX.

Khi CPO của Coinbase bị cáo buộc tận dụng thông tin listing token để trục lợi cá nhân
Khi CPO của Coinbase bị cáo buộc tận dụng thông tin listing token để trục lợi cá nhân

Hậu quả:

  • Ishan Wahi bị kết án 2 năm tù và bị tịch thu số tiền mã hóa thu lợi bất chính, bao gồm 10,97 ETH và 9.440 USDT.
  • Nikhil Wahi bị kết án 10 tháng tù và phải nộp phạt 892.500 USD.
  • Ramani hiện đang lẩn trốn và bị truy nã.

Cách phòng tránh vi phạm Insider Trading hiệu quả

Để tránh vi phạm giao dịch nội gián, cả công ty và cá nhân cần tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt nhằm bảo vệ tính minh bạch của thị trường. Việc nắm giữ thông tin quan trọng có thể mang lại lợi thế lớn, nhưng nếu sử dụng sai cách thì nó không chỉ gây ra hậu quả pháp lý mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng và sự nghiệp. Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh vi phạm insider trading.

Đối với công ty

Một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn giao dịch nội gián là thiết lập chính sách Blackout Period (thời gian cấm giao dịch). Trong khoảng thời gian này, nhân viên và ban lãnh đạo không được phép mua bán cổ phiếu của công ty, đặc biệt là trước khi có thông tin quan trọng sắp được công bố. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và tránh những hành vi lợi dụng thông tin nội bộ để trục lợi.

Đối với cá nhân

Mỗi cá nhân, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực tài chính, cần có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin. Tránh chia sẻ, tiết lộ hoặc thao túng các thông tin nhạy cảm liên quan đến công ty hoặc thị trường. Luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và không tham gia vào bất kỳ hành vi nào có thể bị coi là giao dịch nội gián để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro pháp lý.

Sự khác nhau giữa Insider Trading và Front Running trong thị trường tài chính

Cả Insider Trading (giao dịch nội gián) và Front Running (giao dịch trước) đều là những hành vi bất hợp pháp trong thị trường tài chính, nhưng chúng khác nhau về bản chất, nguồn thông tin và đối tượng bị ảnh hưởng. Theo đó ta có ví dụ minh hoạ giữa Insider Trading và Front Running:

  • Insider Trading: Một giám đốc công ty biết rằng công ty sắp công bố báo cáo tài chính rất tích cực bèn mua cổ phiếu trước khi thông tin này được công bố, sau đó bán ra khi giá tăng.
  • Front Running: Một nhà môi giới chứng khoán biết rằng quỹ đầu tư lớn sắp mua một lượng lớn cổ phiếu Apple nên mua trước để hưởng lợi từ sự tăng giá.

Đối tượng bị ảnh hưởng của giao dịch nội gián là nhà đầu tư nhỏ lẻ và thị trường chung, vì họ không có quyền tiếp cận thông tin như người trong cuộc khiến thị trường trở nên không công bằng. Trong khi đó, Front Running thì khách hàng sẽ là nạn nhân chính vì họ phải giao dịch với mức giá không công bằng, do người thực hiện Front Running đã đẩy giá lên trước.

Từ đó suy ra, ta có bảng so sánh nhanh Insider Trading và Front Running:

Tiêu chí Insider Trading (Giao dịch nội gián) Front Running (Giao dịch trước)
Nguồn thông tin Thông tin nội bộ về công ty/thị trường Thông tin về lệnh giao dịch sắp tới của khách hàng
Ai thực hiện? Người có quyền truy cập thông tin mật (nhân viên công ty, quản lý quỹ…) Nhà môi giới, nhân viên sàn giao dịch hoặc hệ thống giao dịch tự động
Đối tượng bị ảnh hưởng Nhà đầu tư nhỏ lẻ, thị trường chung Khách hàng của nhà môi giới
Hậu quả Mất công bằng thông tin, giảm niềm tin vào thị trường Làm tăng giá/bán giá không công bằng cho khách hàng
Hình thức vi phạm Vi phạm niêm yết thông tin, luật chứng khoán Vi phạm nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và quy định tài chính

Dù có sự khác biệt, cả Insider Trading và Front Running đều bị cấm vì làm mất đi sự công bằng trên thị trường tài chính. Nhà đầu tư cần cẩn trọng và luôn cập nhật kiến thức để tránh trở thành nạn nhân của những hành vi gian lận này.

Kết luận

Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về insider trading là gì, có thể thấy giao dịch nội gián là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự minh bạch và công bằng của thị trường tài chính. Không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, insider trading còn làm suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính. Vì vậy, hãy luôn trang bị kiến thức, cẩn trọng trong các quyết định đầu tư để tránh trở thành nạn nhân của những hành vi phi pháp này nhé.

Bạn thấy bài viết này hữu ích ?
Bài viết liên quan:
Để lại một bình luận