Do Kwon là ai? Bộ não đứng sau cú sập chấn động của Terra

Do Kwon là ai? Năm 2022 là năm đã đánh dấu hàng loạt biến động mạnh mẽ trong thị trường crypto với những sự kiện cực kỳ chấn động nhà đầu tư. Trong số đó, Do Kwon nổi lên như một nhân vật đầy tranh cãi, chỉ đứng sau Sam Bankman-Fried về mức độ ảnh hưởng tiêu cực. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh về Do Kwon là ai cũng như những tác động tiêu cực của ông đã ảnh hưởng như thế nào đối với ngành công nghiệp blockchain.

Do Kwon là ai?

Do Kwon có tên đầy đủ là Kwon Do-Hyung, là nhà sáng lập và CEO của Terraform Labs, công ty blockchain có trụ sở tại Singapore. Ông từng được ca ngợi là một trong những gương mặt tiên phong trong lĩnh vực stablecoin thuật toán.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra cùng stablecoin TerraUSD (UST) đã biến ông trở thành tâm điểm chỉ trích. Hiện tại, Do Kwon đang bị chính quyền Hàn Quốc truy nã vì những cáo buộc liên quan đến sự thất bại của dự án này.

Do Kwon - Nhân vật trung tâm của cú sập lịch sử trong thị trường crypto
Do Kwon – Nhân vật trung tâm của cú sập lịch sử trong thị trường crypto

Tiểu sử và sự nghiệp của Do Kwon

Sinh ra tại Seoul, Hàn Quốc vào năm 1991, Do Kwon từng theo học tại trường Trung học Ngoại ngữ Daewon ở Seoul trước khi tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng Cử nhân Khoa học Máy tính vào năm 2015. Dù có rất ít thông tin về cuộc sống cá nhân cũng như quãng thời gian đại học của nhà sáng lập Terra, nhưng theo một trang web do chính ông tạo ra, Do Kwon từng làm việc tại Apple và Microsoft với vai trò “đối tác kinh doanh”. Tuy nhiên, thời gian gắn bó với hai tập đoàn công nghệ lớn này khá ngắn chỉ dưới 3 tháng, vì ông nhận thấy công việc không mang lại sự hứng thú.

Sau đó, Do Kwon quay về Hàn Quốc và khởi động dự án startup đầu tiên mang tên Anyfi vào năm 2016. Đây là một giải pháp mạng phi tập trung giúp người dùng kết nối internet thuận tiện và nhanh chóng hơn. Dự án nhanh chóng nhận được hơn một triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần và sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc.

Chính quá trình phát triển Anyfi đã giúp ông tiếp cận sâu hơn với công nghệ phi tập trung và mở ra con đường bước vào lĩnh vực Blockchain. Đến năm 2017, Do Kwon thành lập Terraform Labs với tầm nhìn xây dựng những giá trị thực cho ngành.

Do Kwon trở thành CEO Terraform Labs và sự hậu thuẫn từ các quỹ đầu tư lớn

Terraform Labs hình thành từ một ý tưởng táo bạo

Năm 2018, trong một cuộc trao đổi với Nicholas Platias, Do Kwon đã thảo luận về ý tưởng xây dựng một hệ thống thanh toán phi tập trung thân thiện với người dùng. Đây chính là bước khởi đầu cho sự ra đời của Terraform Labs.

Cái tên “Terra” được lấy cảm hứng từ chủng tộc Terran trong tựa game StarCraft, một trong những trò chơi yêu thích của Do Kwon. Theo đó, Terran nổi bật với khả năng thích nghi cao, phản ánh đúng tầm nhìn và sự kiên trì của ông trong việc xây dựng một nền tảng tiền mã hóa phi tập trung.

Ban đầu, Terra được triển khai trên nền tảng Chai do Daniel Shin sáng lập. Daniel Shin cũng là một trong những đồng sáng lập Terraform Labs, dù sau này ông đã rời dự án. Với hệ thống thanh toán sáng tạo, Terra nhanh chóng thu hút 2,5 triệu người dùng cùng nguồn vốn đầu tư hơn 150 triệu USD từ các quỹ lớn như Arrington Capital, Pantera Capital và Galaxy Digital.

Terraform Labs gọi vốn thành công và bước tiến quan trọng
Terraform Labs gọi vốn thành công và bước tiến quan trọng

Tháng 8/2018, Terraform Labs hoàn tất vòng gọi vốn 32 triệu USD nhằm phát triển nền tảng tài chính dựa trên Blockchain. Thành công này đã giúp dự án khẳng định vị thế khi thu hút sự quan tâm của nhiều sàn giao dịch hàng đầu như Binance, OKXUpbit. Đây được xem là bước đệm quan trọng đưa Terra lên một tầm cao mới.

Sự bùng nổ của LUNA và UST

Không dừng lại ở thành công ban đầu, Do Kwon luôn hướng đến một hệ sinh thái kinh tế rộng lớn hơn thay vì chỉ giới hạn ở một sản phẩm duy nhất. Trong một cuộc phỏng vấn với CoinDesk, ông chia sẻ: “Tôi muốn tạo ra không chỉ một sản phẩm, mà cả một hệ thống kinh tế hoàn chỉnh với sự tham gia của nhiều công ty”.

Chính tham vọng này đã thúc đẩy sự ra đời của stablecoin UST, một đồng tiền số neo giá với USD và vận hành trong hệ sinh thái Terra. Do Kwon tin rằng UST sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn so với các stablecoin khác trên thị trường.

Cơ chế hoạt động đột phá của UST

Không giống như USDT hay USDC vốn được bảo chứng bằng tiền mặt hoặc tài sản tương đương, UST của Terra được xây dựng theo mô hình “stablecoin thuật toán”. Cơ chế này duy trì tỷ giá UST thông qua mối quan hệ cung cầu với token LUNA:

  • Khi nhu cầu mua UST tăng, hệ thống sẽ đốt (burn) lượng LUNA tương ứng để tạo ra UST mới giúp duy trì tỷ giá 1:1 với USD.
  • Ngược lại, khi áp lực bán UST gia tăng, hệ thống sẽ phát hành thêm LUNA để hấp thụ lượng UST dư thừa, từ đó giữ giá ổn định.
Sự cân bằng giữa UST và LUNA đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì giá trị của UST so với USD
Sự cân bằng giữa UST và LUNA đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì giá trị của UST so với USD

Những nghi vấn xoay quanh UST – LUNA

Ngay từ khi ra mắt, cơ chế thuật toán của UST này đã vấp phải nhiều hoài nghi từ giới chuyên gia, theo đó:

  • Cyrus Younessi (Scalar Capital) lo ngại rằng UST – LUNA có thể rơi vào “vòng xoáy tử thần” nếu giá LUNA giảm mạnh, kéo theo UST mất giá.
  • Charles Cascarilla (Paxos – công ty phát hành BUSD) đặt dấu hỏi về tính bền vững của mô hình stablecoin thuật toán.
  • Kevin Zhou (quản lý quỹ phòng hộ) từng cảnh báo về khả năng sụp đổ của cặp tiền này ngay từ giai đoạn đầu.

Mặc dù vậy, với sự hậu thuẫn từ các quỹ đầu tư lớn và sự tăng trưởng mạnh mẽ, Terra vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng crypto.

Hành trình mở rộng hệ sinh thái Terra

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của UST, Do Kwon đã xây dựng một hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi) trên nền tảng Blockchain Terra, tái hiện các mô hình quen thuộc trong tài chính truyền thống. Cụ thể:

  • Anchor Protocol được thiết kế như một ngân hàng số, cho phép người dùng gửi UST với mức lãi suất hấp dẫn, lên đến gần 20%, cao hơn đáng kể so với hệ thống ngân hàng truyền thống.
  • Mirror Protocol hỗ trợ việc phát hành tài sản token hóa, giúp nhà đầu tư tiếp cận với các loại tài sản tài chính thực mà không cần sở hữu trực tiếp.

Tuy nhiên, cả 2 nền tảng này đều gặp phải những vấn đề pháp lý nghiêm trọng. SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ) chỉ trích Mirror vì cung cấp dịch vụ giao dịch cổ phiếu token hóa mà không đăng ký, trong khi Anchor bị nghi vấn là một mô hình Ponzi do cam kết lãi suất quá cao.

Vào đầu năm 2022, tổ chức phi lợi nhuận do Do Kwon điều hành đã bán 1 tỷ USD LUNA để mua Bitcoin, với mục tiêu củng cố giá trị của UST khi thị trường biến động. Tuy nhiên, động thái này không thể ngăn chặn cú sụp đổ sau đó.

Sự sụp đổ của LUNA và UST

Tháng 4/2022, Do Kwon từng phát biểu rằng 95% dự án tiền mã hóa sẽ biến mất và việc chứng kiến điều đó là khá thú vị. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, chính hệ sinh thái của ông rơi vào khủng hoảng.

Ngày 7/5/2022, một nhà đầu tư đã thanh lý 85 triệu UST khiến giá của stablecoin này giảm xuống 0,98 USD. Mặc dù mức giảm 2% không quá lớn, nhưng với một stablecoin thì đây là dấu hiệu đáng lo ngại. Bất chấp điều đó, Do Kwon vẫn tỏ ra bình thản, thậm chí đăng tweet trấn an cộng đồng rằng không có gì đáng quan ngại.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần, thị trường chứng kiến cơn hoảng loạn thực sự khi:

  • LUNA rơi tự do từ đỉnh 116 USD giữa tháng 4 xuống gần như vô giá trị.
  • UST mất chốt, giảm sâu xuống chỉ còn 0,06 USD.
  • Toàn bộ hệ sinh thái Terra bốc hơi, kéo theo khoản thiệt hại hơn 45 tỷ USD.
LUNA tuột dốc không phanh: nguyên nhân, hậu quả và bài học cho nhà đầu tư
LUNA tuột dốc không phanh: nguyên nhân, hậu quả và bài học cho nhà đầu tư

Trước tình hình tồi tệ này, Terraform Labs đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm cứu vãn hệ thống bao gồm đốt LUNA và bán số Bitcoin trong quỹ dự trữ. Nhưng việc bán tháo lượng lớn Bitcoin vào ngày 10/5 chỉ khiến giá thị trường giảm mạnh hơn và đẩy Terra vào vòng xoáy sụp đổ không thể cứu vãn.

Thất bại được báo trước

Sau cú sốc UST mất chốt, một thông tin gây chấn động khác được CoinDesk tiết lộ: Do Kwon có liên quan đến Basis Cash là một dự án stablecoin thuật toán thất bại từ năm 2020 dưới bút danh “Rick Sanchez”.

Basis Cash có cơ chế hoạt động tương tự UST nhưng chưa bao giờ duy trì được mức giá 1 USD và cuối cùng bị bỏ rơi. Do đó, việc Do Kwon từng tham gia vào một dự án thất bại càng làm gia tăng nghi ngờ về sự bền vững của Terra.

Nhằm tái thiết lại hệ sinh thái, Do Kwon đề xuất thực hiện hard fork, phân tách Terra thành 2 mạng lưới:

  • Terra Classic (LUNC) giữ lại blockchain cũ, nhưng không còn UST.
  • Terra 2.0 (LUNA mới) ra mắt ngày 28/5/2022.

Mặc dù ban đầu LUNA 2.0 đạt giá gần 20 USD nhưng niềm tin thị trường đã không còn. Tới 15/10/2023, giá LUNA chỉ còn khoảng 0,4048 USD mất hơn 97% giá trị so với thời điểm ra mắt, đánh dấu một trong những cú sụp đổ lớn nhất trong lịch sử tiền mã hóa.

Chỉ sau 2 ngày, giá LUNA mới giảm gấp 3 lần và gần như mất toàn bộ giá trị
Chỉ sau 2 ngày, giá LUNA mới giảm gấp 3 lần và gần như mất toàn bộ giá trị

Tác động lên thị trường Crypto

Vào ngày 12/05/2022, chỉ trong 5 ngày ngắn ngủi thì UST đã lao dốc xuống mức giá thấp chưa từng có. Đồng thời, LUNA cũng mất hơn 99% giá trị từ khoảng 80 USD giảm xuống dưới 0,0001 USD chỉ trong vòng 5 ngày kể từ 07/05.

Cú sập này đã quét sạch gần 300 tỷ USD vốn hóa thị trường tiền mã hóa trong vòng một tuần. Sự hoảng loạn lan rộng khiến nhà đầu tư ồ ạt xả hàng để cắt lỗ, dẫn đến áp lực bán cực lớn. Tâm lý bi quan bao trùm toàn thị trường kéo theo giá Bitcoin cùng hàng loạt altcoin lao dốc mạnh.

Đây được xem là một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử crypto, thậm chí còn nghiêm trọng hơn vụ sập FTX sau này của Sam Bankman-Fried. Nếu như cú sập của FTX làm lung lay niềm tin vào các sàn giao dịch tập trung (CEX), thì thảm họa UST – LUNA lại tác động trực tiếp đến sự ổn định của stablecoin thuật toán. Hệ lụy là niềm tin vào các stablecoin phi tập trung bị lung lay, khiến nhiều tài sản như UST, FRAX, DAI cũng chịu áp lực bán tháo.

Khủng hoảng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và mức độ an toàn của các stablecoin sử dụng thuật toán để duy trì tỷ giá cố định. Sau cú sập, các tổ chức quản lý tài sản và giới lập pháp bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn các rủi ro tiềm ẩn của mô hình stablecoin phi tập trung.

Vụ sụp đổ UST – LUNA không chỉ làm rung chuyển thị trường mà còn kéo theo một cuộc khủng hoảng niềm tin diện rộng, tạo tiền đề cho những thay đổi lớn trong ngành crypto.

Do Kwon bị bắt

Tháng 09/2022, chính quyền Hàn Quốc phát lệnh truy nã Do Kwon nhưng ông đã bỏ trốn ra nước ngoài. Hàng nghìn nhà đầu tư chịu thiệt hại từ vụ sập Terra – LUNA đã đệ đơn kiện, cáo buộc Do Kwon lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Công ty luật LKB & Partner đại diện cho nhóm nhà đầu tư này đã gửi đơn tố cáo lên Đội Điều tra Tài chính thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô Seoul. Bên cạnh đó, Do Kwon còn bị truy tố tội danh trốn thuế do Terra đăng ký tại Singapore nhưng lại hoạt động chủ yếu ở Hàn Quốc.

Đến ngày 24/03/2023, Do Kwon bị bắt giữ tại Montenegro khi đang cố gắng rời khỏi quốc gia này bằng hộ chiếu giả. Ngay sau đó, Tòa án Quận Manhattan (Mỹ) công bố bản cáo trạng gồm 8 tội danh liên quan đến lừa đảo chứng khoán và rửa tiền trong vụ Terra – LUNA hồi tháng 05/2022, chỉ vài giờ sau khi thông tin ông bị bắt được xác nhận.

Tại Montenegro, Do Kwon bị kết án 4 tháng tù vì sử dụng giấy tờ giả. Ban đầu, ông bị tạm giam trong 72 giờ, nhưng sau đó thời hạn giam giữ được kéo dài lên 30 ngày. Cuối cùng, tòa án Montenegro quyết định phóng thích Do Kwon và cựu CFO Han Chong Joon với số tiền bảo lãnh 436.000 USD/người, dưới sự giám sát của cảnh sát.

Do Kwon chính thức bị dẫn độ sang Mỹ

Sau 20 tháng bị giam giữ tại Montenegro, Do Kwon đã chính thức bị dẫn độ sang Mỹ theo quyết định mới nhất của Bộ Tư pháp nước này.

Theo các nguồn tin địa phương, vào ngày 31/12/2024, cảnh sát Montenegro dưới sự hỗ trợ của Interpol đã bàn giao Kwon Do-Hyung cho nhà chức trách Mỹ tại sân bay Podgorica.

Trước đó, vào ngày 27/12/2024, Bộ Tư pháp Montenegro đã quyết định chọn Mỹ làm điểm đến dẫn độ thay vì Hàn Quốc, bất chấp những tranh cãi kéo dài về việc nước nào có quyền xét xử nhà sáng lập Terraform Labs. Thủ tướng Montenegro cũng lên tiếng xác nhận quyết định này trên mạng xã hội X (Twitter), nhấn mạnh rằng dù quốc gia của ông luôn ủng hộ sự đổi mới trong lĩnh vực crypto và AI, nhưng sẽ không dung thứ cho những hành vi gian lận tài chính.

Thủ tướng Montenegro xác nhận trên X: ủng hộ đổi mới, không dung thứ gian lận
Thủ tướng Montenegro xác nhận trên X: ủng hộ đổi mới, không dung thứ gian lận

Chấm dứt tranh cãi pháp lý, mở ra phiên tòa xét xử tại Mỹ

Việc dẫn độ này đã đánh dấu hồi kết cho chuỗi tranh cãi pháp lý kéo dài gần 2 năm tại Montenegro, kể từ khi Do Kwon bị bắt vào tháng 03/2023 vì sử dụng hộ chiếu giả. Trong suốt khoảng thời gian đó, Bộ Tư pháp Montenegro và Tòa án Tối cao liên tục thay đổi quyết định về điểm đến dẫn độ, khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều mong muốn xét xử ông liên quan đến cú sập 60 tỷ USD của hệ sinh thái Terra.

Dẫn độ Do Kwon khép lại tranh cãi pháp lý 2 năm giữa Mỹ, Hàn và Montenegro
Dẫn độ Do Kwon khép lại tranh cãi pháp lý 2 năm giữa Mỹ, Hàn và Montenegro

Tại Mỹ, Do Kwon sẽ phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự nghiêm trọng, bao gồm:

  • 2 tội danh âm mưu lừa đảo
  • 2 tội danh gian lận chứng khoán
  • 2 tội danh gian lận trong giao dịch tài chính
  • Lừa đảo tài sản
  • Thao túng thị trường liên quan đến sự sụp đổ của LUNA và UST

Trước đó, Do Kwon từng mong muốn được dẫn độ về Hàn Quốc, nơi các tội phạm tài chính thường nhận mức án từ 30 đến 40 năm. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Mỹ xử lý riêng từng tội danh, khiến tổng mức án mà ông phải đối mặt có thể cao hơn đáng kể.

Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời gian diễn ra phiên tòa xét xử tại Mỹ.

Terraform Labs đã giải thể, SEC kết thúc vụ kiện

Trong một diễn biến liên quan vào tháng 06/2024, Terraform Labs đã đạt thỏa thuận với SEC đồng ý nộp phạt 4,47 tỷ USD để khép lại vụ kiện của cơ quan này. Tuy nhiên ngay sau đó, Terraform Labs cũng tuyên bố giải thể, chính thức khép lại một chương đầy sóng gió của công ty từng được xem là một trong những dự án stablecoin thuật toán lớn nhất thị trường crypto.

Bài học rút ra sau sự kiện lịch sử của Do Kwon

Cú sập của Terra-LUNA không chỉ là một biến cố tài chính nghiêm trọng, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành crypto. Những hệ quả kéo dài suốt hai năm sau đó đã để lại nhiều bài học quý giá, không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho các nhà phát triển dự án và cơ quan quản lý.

Kinh nghiệm từ cú sập Terra-LUNA:

  • Niềm tin nhà đầu tư lung lay: Vụ bê bối Do Kwon khiến trader và holder mất lòng tin vào stablecoin thuật toán, thận trọng hơn khi tiếp cận dự án mới.
  • Quy định pháp lý siết chặt: Các cơ quan quản lý đẩy mạnh kiểm soát thị trường crypto, áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn để bảo vệ nhà đầu tư.
  • Bài học về minh bạch: Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của minh bạch và trách nhiệm, nhà đầu tư cần thận trọng và tránh FOMO vào các mô hình tài chính rủi ro.

Kinh nghiệm đối với hệ thống quản lý và giám sát crypto:

  • Minh bạch là yếu tố cốt lõi: Các dự án crypto phải công khai tài chính, cơ chế vận hành và đảm bảo sự ổn định để xây dựng niềm tin.
  • Giám sát chặt chẽ hơn: FBI và các cơ quan tài chính tăng cường kiểm soát, yêu cầu các tổ chức crypto tuân thủ quy định pháp lý, đặc biệt trong stablecoin và DeFi.
  • Hợp tác quốc tế chống gian lận: Các chính phủ siết chặt phối hợp nhằm truy vết, ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp và nâng cao tính minh bạch của thị trường crypto.

Bài viết trên cung cấp cái nhìn toàn diện về Do Kwon là ai, từ hành trình khởi nghiệp, đỉnh cao sự nghiệp cho đến cú sập lịch sử của Terra (LUNA – UST). Đây không chỉ là một câu chuyện về một nhân vật mà còn là bài học sâu sắc về sự ổn định của stablecoin và những nguy cơ tiềm ẩn trong DeFi.

Bạn thấy bài viết này hữu ích ?
Bài viết liên quan:
Để lại một bình luận