Bitcoin Halving là gì? Tác động hay cơ hội cho nhà đầu tư?

Sự kiện Bitcoin halving tác động trực tiếp đến nguồn cung BTC lưu thông, từ đó ảnh hưởng đến giá trị của loại tài sản được ví như vàng kỹ thuật số này. Vậy Bitcoin halving là gì? Khi nào sẽ diễn ra đợt halving tiếp theo? Và quan trọng nhất, bạn có thể làm gì để tận dụng cơ hội đầu tư từ sự kiện này? Nếu không muốn bỏ lỡ những biến động tiềm năng trên thị trường, bạn cần nắm rõ các thông tin quan trọng về halving. Dưới đây sẽ là những điều bạn cần biết để chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội phía trước.

Bitcoin Halving là gì?

Bitcoin Halving là một sự kiện diễn ra theo chu kỳ khoảng 4 năm một lần khi phần thưởng khối dành cho thợ đào Bitcoin bị cắt giảm 50%.

Cơ chế này được lập trình cố định trong giao thức Bitcoin bởi người tạo ra nó là Satoshi Nakamoto nhằm kiểm soát nguồn cung, tăng độ khó khai thác và giảm tốc độ lạm phát của Bitcoin theo thời gian.

Bitcoin Halving làm giảm phần thưởng khối, giúp kiểm soát lạm phát và tăng độ khan hiếm
Bitcoin Halving làm giảm phần thưởng khối, giúp kiểm soát lạm phát và tăng độ khan hiếm

Bitcoin Halving diễn ra như thế nào?

Sự kiện này xảy ra sau mỗi 210.000 khối được khai thác, trong tổng nguồn cung giới hạn 21 triệu BTC. Khi đó, phần thưởng khối dành cho thợ đào sẽ giảm một phần hai. Ban đầu thì mức thưởng là 50 BTC mỗi khối và sau nhiều lần Halving, con số này đã giảm xuống còn 3.125 BTC vào đợt gần nhất vào năm 2024.

Cơ chế Bitcoin Halving đóng vai trò cốt lõi trong thuật toán đồng thuận Proof-of-Work (PoW) của mạng Bitcoin. Quá trình này khiến các thợ đào phải cạnh tranh khốc liệt để giành quyền xác nhận và thêm khối mới vào blockchain. Mỗi block của một tệp chứa 1 MB hồ sơ giao dịch Bitcoin.

Bitcoin Halving là yếu tố cốt lõi trong thuật toán đồng thuận Proof-of-Work (PoW)
Bitcoin Halving là yếu tố cốt lõi trong thuật toán đồng thuận Proof-of-Work (PoW)

Quá trình Halving được duy trì nhờ các thợ đào là những người tham gia xác nhận giao dịch và thêm khối mới vào blockchain. Họ sử dụng phần cứng chuyên dụng để giải các bài toán mật mã phức tạp, tạo ra một chuỗi 64 ký tự ngẫu nhiên (băm SHA-256) nhằm xác thực và khóa khối và đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu trên mạng lưới.

Tác động của Bitcoin Halving đến thị trường như thế nào?

Bitcoin Halving là một cơ chế quan trọng được thiết lập nhằm kiểm soát nguồn cung BTC trên thị trường. Sự kiện này mang đến nhiều vai trò đáng kể, bao gồm là:

  • Kiểm soát lạm phát: Halving giúp duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp bằng cách giảm phần thưởng khối, từ đó hạn chế số lượng BTC mới được đưa vào lưu thông. Trước đây, tỷ lệ lạm phát của Bitcoin từng lên đến 50% vào năm 2011, nhưng sau mỗi kỳ Halving thì con số này giảm dần chỉ còn 4 – 5% vào năm 2016 và hiện tại xuống mức 1.74%.
  • Gia tăng giá trị BTC: Với nguồn cung tối đa chỉ là 21 triệu BTC, Halving đảm bảo quá trình khai thác Bitcoin ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Khi lượng BTC mới được tạo ra giảm dần, sự khan hiếm có thể thúc đẩy nhu cầu và đẩy giá trị BTC lên cao.
  • Củng cố tính bảo mật của mạng lưới: Việc giảm phần thưởng khối đồng nghĩa với chi phí khai thác tăng lên, khiến các cuộc tấn công vào mạng lưới trở nên tốn kém và khó thực hiện hơn. Điều này giúp nâng cao tính bảo mật của hệ thống Bitcoin.
  • Thúc đẩy sự quan tâm và dòng vốn đầu tư: Mỗi kỳ Halving thường thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng, tạo ra tâm lý đầu cơ và dòng tiền mới đổ vào thị trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng giá của Bitcoin trong dài hạn.
  • Gia tăng cạnh tranh giữa các thợ đào: Sự kiện này đặt ra thách thức lớn với các miner khi lợi nhuận khai thác bị thu hẹp. Điều này buộc các thợ đào phải tối ưu hóa mô hình hoạt động, loại bỏ những đơn vị kém hiệu quả, từ đó tạo ra một hệ sinh thái khai thác bền vững hơn.
Halving giảm phần thưởng khối, giúp kiểm soát lạm phát và hạn chế BTC mới lưu thông
Halving giảm phần thưởng khối, giúp kiểm soát lạm phát và hạn chế BTC mới lưu thông

Bitcoin Halving không chỉ là một sự kiện mang tính kỹ thuật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng thị trường. Việc hiểu rõ cơ chế này sẽ giúp trader và nhà đầu tư có chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội trong từng chu kỳ Halving.

Lịch sử Halving Bitcoin và tác động đến biến động giá

Sự kiện Halving Bitcoin được xác định dựa trên chiều cao khối, tức số lượng block đã được khai thác kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009. Cứ mỗi 210.000 khối được thêm vào blockchain, một lần Halving sẽ diễn ra.

Lịch trình Halving không cố định theo ngày tháng mà phụ thuộc vào tốc độ khai thác. Nếu hashrate toàn mạng tăng, block mới được tạo nhanh hơn khiến Halving đến sớm hơn dự kiến. Ngược lại, nếu tốc độ khai thác chậm lại, Halving có thể bị đẩy lùi. Dưới đây là tổng hợp các sự kiện Halving đã diễn ra:

Sự kiện Halving đầu tiên – Bitcoin Halving 2012

Bitcoin trải qua lần Halving đầu tiên vào ngày 28/11/2012, khi phần thưởng khối bị điều chỉnh giảm từ 50 BTC xuống còn 25 BTC. Trong giai đoạn giữa 2 lần Halving đầu tiên, thống kê cho thấy hơn 5,25 triệu BTC đã được khai thác bởi các thợ đào.

Sau cột mốc quan trọng này, giá BTC bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 12 USD/BTC lên đỉnh 1.163 USD/BTC vào đúng một năm sau là ngày 28/11/2013, tương đương mức tăng gần 100 lần.

Biểu đồ giá Bitcoin từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2013 sau sự kiện halving lần 1
Biểu đồ giá Bitcoin từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2013 sau sự kiện halving lần 1

Sự kiện Halving lần thứ 2 – Bitcoin Halving 2016

Lần Halving thứ 2 của Bitcoin diễn ra vào ngày 09/07/2016, khi phần thưởng khối dành cho thợ đào giảm từ 25 BTC xuống còn 12.5 BTC. Tại thời điểm này, tổng lượng BTC được khai thác đã vượt hơn 2 triệu BTC.

Ngay sau đợt Halving này, thị trường Crypto bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ (Bull Market). Giá Bitcoin đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 30 lần, từ 647 USD lên đến 19,664 USD vào ngày 17/12/2017. Tuy nhiên, sau đỉnh giá này thì thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh kéo dài, khi BTC cùng nhiều tài sản kỹ thuật số khác trải qua xu hướng suy giảm đáng kể.

Halving lần thứ 3 – Bitcoin Halving 2020

Sự kiện Bitcoin Halving lần 3 diễn ra vào ngày 11/05/2020, đánh dấu việc phần thưởng khối giảm xuống còn 6.25 BTC mỗi block. Tổng nguồn cung BTC được khai thác trong giai đoạn này chỉ còn hơn 1 triệu BTC làm gia tăng độ khan hiếm của đồng tiền này.

Tương tự Halving 2016, giá BTC đã có sự bứt phá mạnh mẽ, thiết lập mức đỉnh 67,557 USD. Đây cũng là thời điểm vốn hóa thị trường của Bitcoin lần đầu tiên cán mốc 1 nghìn tỷ USD, một cột mốc quan trọng thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng của tài sản này sau 12 năm hình thành và phát triển.

Biểu đồ giá Bitcoin từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021 trong quá giai đoạn diễn ra halving lần 4
Biểu đồ giá Bitcoin từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021 trong quá giai đoạn diễn ra halving lần 4

Halving lần thứ 4 – Bitcoin Halving 2024

Sự kiện Bitcoin Halving lần thứ 4 đã diễn ra vào ngày 20/04/2024, giảm phần thưởng khối từ 6.25 BTC xuống còn 3.125 BTC mỗi khối. Điều này làm giảm nguồn cung Bitcoin hàng ngày từ 900 BTC xuống còn 450 BTC.

Trước sự kiện Halving thì giá Bitcoin đã tăng mạnh và đạt mức ATH 73,600 USD vào ngày 13/03/2024. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi kỳ vọng về việc thông qua các quỹ ETF Bitcoin giao ngay và sự quan tâm ngày càng lớn từ các nhà đầu tư tổ chức.

Sau Halving 2024, thị trường tiếp tục phản ứng tích cực. Đặc biệt là vào ngày 21/11/2024, giá Bitcoin tiến gần mốc 100,000 USD, được hỗ trợ bởi các chính sách thân thiện với tiền điện tử từ chính quyền mới của Hoa Kỳ.

Nhìn chung, Halving lần thứ tư đã củng cố vị thế của Bitcoin như một tài sản khan hiếm và có giá trị, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Khi nào diễn ra Halving cuối cùng?

Dự kiến thì chu kỳ Halving cuối cùng của BTC sẽ diễn ra vào năm 2140. Tại thời điểm này, phần thưởng khối dành cho thợ đào sẽ chạm ngưỡng bằng 0. Thay vì nhận thưởng từ việc khai thác khối mới, các thợ đào sẽ duy trì hoạt động nhờ vào phí giao dịch do mạng lưới Bitcoin phân phối.

Chu kỳ Halving cuối của BTC dự kiến diễn ra vào năm 2140 và đánh dấu nguồn cung tối đa
Chu kỳ Halving cuối của BTC dự kiến diễn ra vào năm 2140 và đánh dấu nguồn cung tối đa

Tác động của Bitcoin Halving đến thị trường crypto

Đối với nhà đầu tư

Sức hút của một tài sản tài chính phụ thuộc vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nó. Bitcoin cũng đã khẳng định được giá trị và độ tin cậy của mình qua thời gian, giúp nó duy trì vị thế là đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, sau mỗi đợt Halving thì giá Bitcoin có xu hướng tăng mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc lại chiến lược phân bổ vốn, đặc biệt là những người có nguồn lực tài chính hạn chế. Điều này thúc đẩy xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các tài sản khác trong hệ sinh thái crypto, với kỳ vọng tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tiềm năng và tối ưu hóa danh mục đầu tư trong tương lai.

Đối với các thợ đào

Dưới góc độ của các thợ đào, quá trình khai thác tiền điện tử tạo ra phí đào khi mỗi giao dịch on-chain được xác nhận. Do có nhiều thợ đào cạnh tranh để tìm ra khối hợp lệ tiếp theo trong khoảng thời gian trung bình 10 phút, phần thưởng khối dường như trở thành khoản thanh toán cho họ để đổi lấy việc thêm một khối mới vào chuỗi đã được mạng lưới chấp thuận.

Theo cơ chế halving, sau mỗi lần giảm 50% nguồn cung BTC mới, phần thưởng khối của thợ đào cũng sẽ giảm đi đáng kể, cụ thể là chỉ còn lại 50% so với trước đó. Điều này không chỉ trực tiếp thu hẹp biên lợi nhuận của hoạt động khai thác mà còn khiến chi phí điện năng trên mỗi BTC khai thác được tăng gấp đôi. Thêm vào đó, giá thiết bị đào ngày càng cao có thể tạo áp lực lớn hơn lên các công ty khai thác tư nhân, đặc biệt là so với những công ty quy mô lớn hơn. Các doanh nghiệp khai thác lâu năm có thể gặp bất lợi do không có đủ nguồn vốn và nhân lực để duy trì cạnh tranh với các công ty mới.

Mặt khác, halving có thể thúc đẩy dòng dịch chuyển của các thợ đào sang những blockchain khác, nơi điều kiện khai thác hấp dẫn hơn về cả lợi nhuận và chi phí vận hành. Điều này có thể tạo động lực cho sự mở rộng của các altcoin, góp phần nâng cao vốn hóa thị trường cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng trong hệ sinh thái tiền điện tử.

Đối với giá BTC

Từ góc độ kinh tế, Bitcoin Halving là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy đà tăng giá của BTC. Sự kiện này làm giảm tốc độ phát hành BTC, từ đó giảm tỷ lệ lạm phát của một tài sản có nguồn cung giới hạn ở mức 21 triệu coin.

Chẳng hạn, đợt Halving năm 2020 đã khiến tỷ lệ phát hành BTC hàng năm giảm từ 3.7% xuống còn 1.79%, thấp hơn cả mức lạm phát của một số quốc gia, như Mỹ với tỷ lệ 1.9% vào thời điểm đó.

Dù có sự tương quan giữa Halving và xu hướng giá BTC, nhưng thực sự vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn khẳng định Halving là yếu tố duy nhất quyết định giá. Sự biến động còn chịu ảnh hưởng từ tâm lý đầu cơ, tác động của truyền thông, chính sách kinh tế vĩ mô và sự can thiệp từ các cơ quan quản lý. Những yếu tố này khiến mỗi kỳ Halving trở nên khó đoán và tạo nên bức tranh thị trường đầy biến động.

Sau Halving thì giá Bitcoin thường tăng mạnh rồi giảm sâu, tạo biến động lớn trên thị trường
Sau Halving thì giá Bitcoin thường tăng mạnh rồi giảm sâu, tạo biến động lớn trên thị trường

Đối với thị trường crypto

Trong thị trường crypto, tác động của giá Bitcoin đến toàn bộ thị trường có thể không rõ ràng đối với một số người, nhưng thực tế điều này là không thể phủ nhận. Là tài sản có tính thanh khoản cao và được giao dịch rộng rãi nhất trong không gian tiền điện tử, Bitcoin đóng vai trò như một chỉ báo quan trọng về xu hướng thị trường. Khi cung và cầu của BTC biến động, điều này kéo theo sự điều chỉnh trong định giá của các tài sản kỹ thuật số khác.

Bitcoin thường được xem như một thước đo chuẩn trong thị trường crypto, phản ánh tâm lý chung của nhà đầu tư. Do đó, các trader và nhà đầu tư thường theo dõi biến động giá của BTC để đánh giá sức mạnh của altcoin. Giá trị của các đồng tiền khác thường có sự điều chỉnh tương quan với Bitcoin, đặc biệt là trong các giai đoạn thị trường biến động mạnh. Không chỉ sau mỗi đợt halving, mà cả các tin tức quan trọng hay yếu tố vĩ mô cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá BTC, từ đó tác động đến toàn bộ thị trường altcoin.

Khóc khuất tiêu cực của Halving trong Bitcoin

Sau khi nắm rõ Bitcoin Halving là gì, có thể thấy sự kiện này không chỉ gây ra biến động mạnh về giá mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại trong hệ sinh thái Bitcoin. Cụ thể như:

Ảnh hưởng đến môi trường

Từ lâu, Bitcoin đã bị chỉ trích vì mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của các xưởng đào, khi hệ thống khai thác liên tục vận hành để xử lý giao dịch và bảo vệ mạng lưới. Khi độ khó đào tăng lên sau mỗi đợt Halving, các thợ đào buộc phải nâng cao hiệu suất thiết bị để duy trì lợi nhuận, đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều điện năng hơn.

Để tối ưu chi phí, các thợ đào dần chuyển sang các thiết bị có hiệu suất cao hơn, đồng thời tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Nguy cơ tập trung hóa sức mạnh tính toán

Sự kiện Halving khiến lợi nhuận từ việc khai thác giảm đi một nửa đẩy mức độ cạnh tranh lên cao. Các thợ đào nhỏ lẻ có nguy cơ bị đào thải nhường chỗ cho những mining pool và công ty khai thác quy mô lớn nắm giữ phần lớn sức mạnh tính toán. Nếu chỉ một số ít thực thể kiểm soát tỷ lệ băm lớn, mạng Bitcoin có thể đối mặt với nguy cơ tập trung hóa, đi ngược với nguyên tắc phi tập trung mà Satoshi Nakamoto đề ra.

Những mining pool lớn thậm chí có khả năng tác động đến mạng lưới bằng cách kiểm duyệt giao dịch, lựa chọn xác nhận hoặc từ chối các giao dịch theo ý muốn. Theo dữ liệu từ BTC.com, trong giai đoạn 2016 – 2021, 2 mining pool lớn nhất là Foundry USA và AntPool thường xuyên kiểm soát 30 – 40% tổng tỷ lệ băm của mạng lưới Bitcoin. CoinDance thậm chí ghi nhận con số này có thời điểm lên đến gần 50%.

Foundry USA và AntPool nắm giữ 30 - 40% tổng tỷ lệ băm của mạng lưới Bitcoin
Foundry USA và AntPool nắm giữ 30 – 40% tổng tỷ lệ băm của mạng lưới Bitcoin

Mặc dù vậy, sau Halving thì các thợ đào không hoàn toàn rời bỏ mạng lưới mà sẽ tìm cách thích nghi với sự thay đổi, tối ưu chi phí vận hành để tiếp tục duy trì hoạt động.

Cơ chế Halving trong Litecoin và sự khác biệt so với Bitcoin

Litecoin là một trong những dự án có nhiều điểm tương đồng với Bitcoin, đặc biệt khi cùng áp dụng cơ chế Proof-of-Work (PoW) và Halving nhằm kiểm soát lạm phát của nguồn cung LTC. Vậy liệu tác động của Halving lên giá LTC có mang lại hiệu ứng tương tự như Bitcoin không? Hãy cùng phân tích nhé.

Tác động của Halving đối với giá Litecoin

Cứ sau mỗi 840.000 block tương đương khoảng 4 năm, sự kiện Litecoin Halving sẽ diễn ra, khiến phần thưởng khối dành cho thợ đào giảm một nửa.

Halving lần thứ nhất – 25/08/2015:

  • Phần thưởng khối giảm từ 50 LTC xuống 25 LTC.
  • Sau Halving, giá LTC đi ngang trong một thời gian trước khi bật tăng gần 200% vào tháng 11/2015.

Halving lần thứ 2 – 05/08/2019:

  • Phần thưởng khối tiếp tục giảm còn 12,5 LTC.
  • Ngay sau Halving, LTC đi vào xu hướng giảm trước khi phục hồi vào tháng 12/2019 và đạt mức tăng trưởng khoảng 200% vào tháng 2/2020.

Halving lần thứ 3 – 02/08/2023:

  • Phần thưởng khối giảm xuống còn 6,25 LTC.
  • Từ thời điểm Halving đến nay, giá LTC đã giảm khoảng 30%, hiện giao dịch quanh mức 65 USD.
Nhìn chung, tác động của Halving lên Litecoin không quá rõ ràng và nhất quán như với Bitcoin
Nhìn chung, tác động của Halving lên Litecoin không quá rõ ràng và nhất quán như với Bitcoin

So sánh tác động của Halving giữa Litecoin và Bitcoin

Quy mô ảnh hưởng đến thị trường

Bitcoin sở hữu vốn hóa gần 851 tỷ USD, trong khi Litecoin chỉ đạt khoảng 4,82 tỷ USD, chênh lệch gần 176,5 lần. Vì vậy, Halving của Bitcoin tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ hơn trên toàn thị trường crypto, trong khi Litecoin ít bị tác động hơn.

Độ khan hiếm của nguồn cung

Tổng cung Litecoin được giới hạn ở mức 84 triệu LTC, trong khi Bitcoin chỉ có tối đa 21 triệu BTC. Do nguồn cung hạn chế hơn, BTC có tính khan hiếm cao hơn, khiến tác động từ Halving đến giá Bitcoin mạnh mẽ hơn nhiều so với Litecoin.

Câu hỏi thường gặp về sự kiện Bitcoin Halving

Tại sao Halving xảy ra ít hơn 4 năm 1 lần?

Bitcoin Halving không diễn ra cố định theo thời gian dương lịch mà phụ thuộc vào số lượng block được khai thác. Cụ thể, sự kiện này xảy ra sau mỗi 210.000 block, với mục tiêu trung bình mỗi block được tạo ra trong 10 phút.

Tuy nhiên, tốc độ khai thác thực tế không phải lúc nào cũng chính xác 10 phút/block. Khi độ khó đào điều chỉnh 2 tuần 1 lần (sau mỗi 2.016 block), nếu hashrate tăng mạnh thì thời gian tạo block trung bình có thể giảm xuống dưới 10 phút, khiến mốc 210.000 block đến sớm hơn dự kiến. Ngược lại, nếu hashrate giảm, quá trình đào sẽ chậm lại, nhưng nhìn chung xu hướng chung là Halving diễn ra sớm hơn một chút so với mốc 4 năm lý thuyết.

Halving của Bitcoin có tác động đến Altcoin không?

Sự kiện Halving của Bitcoin không chỉ ảnh hưởng đến BTC mà còn tác động gián tiếp đến thị trường Altcoin. Khi Halving diễn ra, sự chú ý của nhà đầu tư đổ dồn vào thị trường crypto, làm gia tăng tâm lý lạc quan và kỳ vọng vào đợt tăng giá mới. Điều này có thể thúc đẩy dòng tiền chảy vào Altcoin, khiến giá của nhiều đồng tiền mã hóa khác tăng theo.

Ngoài ra, khi phần thưởng khai thác Bitcoin giảm, một số thợ đào có thể tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn bằng cách chuyển sang đào các Altcoin có cơ chế đồng thuận tương tự, như Litecoin hoặc Bitcoin Cash. Điều này có thể làm tăng hashrate và tính bảo mật của một số mạng Altcoin, nhưng đồng thời cũng có thể gây áp lực bán nếu thợ đào quyết định thanh lý phần thưởng của họ.

Bitcoin Halving có phải là dấu hiệu cho một xu hướng tăng giá không?

Sự kiện Halving thường được coi là yếu tố thúc đẩy giá Bitcoin do nguồn cung mới bị cắt giảm, làm tăng tính khan hiếm và có thể kích thích nhu cầu. Tuy nhiên, dù lịch sử cho thấy giá Bitcoin thường có xu hướng tăng sau Halving, thị trường vẫn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc rủi ro và không chỉ dựa vào Halving để đưa ra quyết định giao dịch.

Điều gì xảy ra khi Bitcoin Halving diễn ra?

Mỗi lần Halving xảy ra, phần thưởng khối dành cho thợ đào sẽ bị cắt giảm một nửa, làm giảm tốc độ tạo ra BTC mới trên thị trường. Điều này giúp giảm tỷ lệ lạm phát của Bitcoin theo thời gian, khiến BTC trở nên khan hiếm hơn.

Halving diễn ra khoảng 4 năm một lần, theo đúng cơ chế lập trình của Bitcoin và đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nguồn cung. Với tổng cung tối đa được giới hạn ở 21 triệu BTC, Halving đảm bảo rằng Bitcoin không bị lạm phát vô hạn như tiền pháp định, góp phần duy trì tính khan hiếm và giá trị dài hạn của nó.

Điều gì sẽ xảy ra khi không còn Bitcoin để khai thác nữa?

Đa số mọi người dự đoán rằng vào năm 2140, Bitcoin cuối cùng sẽ được khai thác hết. Tuy nhiên, dù phần thưởng khối giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối, giá trị phần thưởng sẽ ngày càng nhỏ lại. Khi phần thưởng chạm mức tối thiểu là một satoshi (1 satoshi = 0,00000001 BTC) thì nó không thể bị chia nhỏ thêm nữa. Điều này có nghĩa là ngay cả khi tổng nguồn cung Bitcoin đạt giới hạn 21 triệu, vẫn có thể có hàng triệu satoshi được phân phối làm phần thưởng sau năm 2140.

Có nên mua Bitcoin trước Halving không?

Thay vì cố gắng bắt đáy – đỉnh, nhà đầu tư nên tập trung vào giá trị dài hạn của Bitcoin. Lịch sử đã cho thấy một chiến lược phổ biến là mua BTC từ 6 – 12 tháng trước Halving và bán dần trong 12 – 18 tháng sau đó, khi thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng.

Tuy nhiên, hiệu suất trong quá khứ không đảm bảo cho kết quả tương lai. Nếu không phải là trader chuyên nghiệp, phương pháp mua và nắm giữ (HODL) qua nhiều chu kỳ vẫn là chiến lược an toàn và hiệu quả hơn để hưởng lợi từ sự khan hiếm ngày càng tăng của Bitcoin.

Tóm lại với toàn bộ thông tin về Bitcoin Halving là gì trên đây, có thể thấy đây là một cột mốc quan trọng trong thị trường crypto, tác động mạnh mẽ đến giá trị Bitcoin và tâm lý nhà đầu tư. Việc mua Bitcoin trong giai đoạn này cần được xem xét cẩn thận, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Đừng quên theo dõi các kênh đầu tư khác để cập nhật thêm nhiều kiến thức giá trị nhé.

Bạn thấy bài viết này hữu ích ?
Bài viết liên quan:
Để lại một bình luận